Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

Phiêu linh trong ảnh và bình thơ


( Có mấy người bạn đòi tôi viết cuối tuần, ừ thì viết, nhưng viết gì đây…. viết về ảnh và thơ, cho tôi, cho ít bạn bè...)

Tôi biết chụp ảnh hơi lâu lâu, khởi đầu là cái máy ảnh Pen 72 nối phim thành 78 kiểu trắng đen của một anh thợ chụp ảnh dạo, cho qua những ngày tháng đói khổ. Rồi cũng mài mò làm một phòng tối, để tay được che, mở, múa may vài thủ thuật dưới ánh đèn nhỏ vàng đỏ, ra những tấm hình có sắc độ xám, đen khác nhau, để được tự khen, tự sướng, bon chen gởi hình dự thi đây đó…

Thời gian qua mau, đam mê sâu đậm, ảnh của tôi trở nên phiêu phiêu, tự lúc nào không biết. Tôi chụp ảnh trước hết là cho tôi. Tôi chụp mọi lúc, mọi nơi, những thể loại khác nhau như hoa cỏ, tĩnh vật, phong cảnh, đời thường, phóng sự, chân dung và cả khỏa thân nếu có cơ hội, chụp bằng bất cứ phương tiện chụp nào tiện mang theo. Có thể nói là chụp đại trà, không chắt lọc. Tuy là chụp nhanh, nhiều, liên tục, theo bản năng cẩu thả, ẩu tả, tham lam của mình, nhưng tôi cũng cố gắng hướng ảnh theo một kiểu cách riêng, kiểu theo tâm trạng thất thường, dở hơi, hay thay đổi của mình, cố thổi vào ảnh một chút hồn ….. Còn ảnh có đạt hay không còn do hên xui và còn tùy theo quan điểm người xem có nhìn nhận hay không, như có lần tôi nói trong bài: “ Thú vui chơi máy ảnh”.

Tôi cố vẽ ảnh bằng ánh sáng, tìm cách kết hợp ánh sáng, đường nét và tâm trạng. Tôi không chú ý lắm đến bố cục, không tuân thủ bố cục 1/3, cái mà người ta gọi là “ nguyên tắc vàng”. Có người nói đó là loại ảnh phá cách, phá bố cục…. hay thiếu hiểu biết về bố cục ảnh, cũng được. Với tôi, ảnh nhìn cần được tự nhiên, thuận mắt, sự kết hợp đường nét, ánh sáng, màu sắc, chọn góc nhìn …. là để phô diễn tâm trạng mình …..
Bởi thế ảnh của tôi lúc sáng rõ, lúc sắc nét, lúc mờ ảo, lúc tối tăm… tùy theo tâm trạng. Ảnh ghi một khoảnh khắc thực, nhưng có thể có gởi vào một chút suy tư, trầm mặc, khoắc khoải, một chút thi vị, phiêu linh, hoang hoải. Ảnh của tôi là mộng ảo và thực tại. Thực và hư hòa lẫn…

Một người chụp muốn làm cho ảnh rõ ràng, sắc nét là điều khá dễ dàng. Mọi máy ảnh, mọi thiết bị chụp đều có thể. Mọi người chụp dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư đều có thể. Sau này người ta còn có một kỹ thuật chụp, gọi tắt là HDR, chụp nhiều ảnh ở những bậc sáng khác nhau rồi lồng ghép, chồng lên thành một tấm, để ảnh đủ ánh sáng, sắc nét mọi chỗ trên tấm ảnh. Máy ảnh loại mới làm tự động, nhưng không đạt bằng tự mình làm. Ảnh HDR đẹp - rõ - lạ, nhưng không thật .

Tôi không phải là nghệ sĩ nhiếp ảnh, chỉ là người chụp thường thường, là người đam mê, lấy ảnh làm nguồn vui…. nên xin các nhà nhiếp ảnh nhà nghề bỏ qua cho, nếu có viết gì không đúng, mạo phạm.
Về chuyện thơ, có người nói tôi – “xạo”, chạy em ôm, mới học hết lớp 5 trường làng mà biết bình thơ. Học vấn nào mà không cảm nhận được về thơ, cảm nhận theo lối riêng của mỗi người.

Chuyện này phải nói hơi dông dài, thiệt tình là tôi không biết làm thơ thật. Tôi là dân võ biền, vai u thịt bắp, hấp tấp, láu táu, sôi nổi, sốc vác, liều lĩnh, bụi bặm, giang hồ…. từ cái thời còn trẻ ấy, thì làm sao có đủ thiết tha, sâu lắng nhả ra những câu thơ mượt mà, tình cảm. Vả lại, tôi cũng sợ lắm vì người ta nói bị thất tình làm thơ mới hay, tôi không muốn. Thêm nữa, mấy thằng bạn làm thơ, mà sau này sáng chói trên văn đàn, đứa nào hình như cũng hơi mát dây, sống bay bổng như người của cõi trên…., tôi sao dám làm thơ.

Nhưng nữ thì không có như vậy, khi xưa tôi có một cô bạn, chỉ là bạn thôi, thi thoảng làm thơ cũng đưa tôi xem, thú thật lúc đầu thấy “ dỡ ẹc”, không dám nói sợ bị mắng, chỉ khuyến khích viết tiếp. Rồi cô có bài đăng báo, in tập thơ tình đầu tiên, nhập hội văn….Đọc tập thơ đầu tay được tặng, hoảng hồn, vì bài nào cũng lóang thoáng bóng dáng, tính nết ….giông giống mình. Cái người “trời đánh thánh đâm, lựu đạn”…, ngố ngáo, ngang ngược như tôi mà cũng có người thấy hay đưa vào làm hình tượng thơ. Nhưng thấy sướng tê vì lúc ấy cô cũng nổi tiếng lắm rồi, sau này còn in được hàng chục tập thơ, được nhiều người mến mộ. Tôi chú ý đến thơ từ ấy.

Rồi lại tình cờ đọc được bài thơ của một người bạn khác trên báo, cũng thấy mình trong đó, lại khoái…. Nhưng không biết là thương mến hay chửi mắng, khả năng bị chửi nhiều hơn vì tôi cũng có lắm tội trên đời…..nên vội tìm người giảng giải.

Số là tôi có quen biết với hai ông chữ nghĩa đầy mình, tên là Phùng Quí Nhâm và Cao Xuân Hạo, là thầy giáo hoặc từng là thầy giáo, một ông thì nhậu cùng bàn thường xuyên, một ông lâu lâu mới gặp. Cũng số là, …. chạy xe ôm cả ngày mệt mõi dưới cái nóng oi bức, ngộp ngạt của Sài Gòn dạo ấy. Mỗi chiều về, tôi thường kiếm một quán cóc, một góc nhỏ ngồi uống bia bình giải nhiệt. Tôi hay ghé cái quán báo Văn nghệ, đường Trần Quốc Thảo, quận 3 vì họ bán cho văn nghệ sĩ, toàn nhà nghèo, nên giá rất rẻ. Một đĩa đậu hủ chiên nhỏ nóng hổi, vừa thổi vừa ăn chỉ một, hai ngàn đồng, còn có thể gọi thêm lon đậu phọng luộc của mấy đứa nhỏ bưng rổ bán quanh … hôm nào có tiền thì kêu thêm một đĩa bò bít tết, thế là cũng đủ cho một bàn nhậu ba người.

Tôi hỏi chỉ có một từ mà ông “ngôn ngữ” nói dài một tiếng, nào là từ gốc, từ ghép, từ phái sinh…. nào là sắc thái biểu cảm, nghĩa theo ngữ cảnh, nghĩa theo ngữ pháp chức năng…. vân vân và vân vân. Ông “phê bình” bực mình quá, cụng ly tôi cái “cốp”, hỏi “mầy có hiểu ổng nói gì hông ?”, “không”, “tao cũng không hiểu”, rồi góp lời: “ Theo tao từ đôi nào mày khó hiểu, thì chẻ nó ra để dễ hiểu, , như chung thủy, thì chung là gì, thủy là gì ; như mộng mơ, thì mộng là gì, mơ là gì,….không cần đi hỏi hoặc tra tự điển chi cho mệt, tiếp đến là bám sát văn bản, không được rời câu chữ, liên tưởng rồi cảm nhận theo lối của mày, là xong….” “ Theo tao thì nó trách móc, chửi xéo, móc họng …. tìm đét mấy cái vào mông, cho chừa”. “Còn cái ông Hạo này nữa, uống đi, nói hoài…… À, mà ổng giỏi lắm nha mậy, ổng phát triển cả một ngành học mới, ổng cũng là thầy của vợ tao luôn, ổng thương mến mầy lắm nên mới giảng giải dài dài, chứ ổng là người kín kẽ, ổng mà phát biểu thì đố đồng môn nào tìm được chỗ hở phản bác”. “ Thôi nhậu đi, thứ sáu tao lấy tiền nhuận bút nhậu tiếp, tiền trả viết được lên giá chút, đủ chầu nhậu… mời cả ông Hạo nữa … ”.

Những người tôi quen biết, giờ người còn, người mất…. và tôi biết cách cảm nhận thơ là từ đó, từ những bàn nhậu nghèo thân tình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét