Tôi không phải là một người làm thơ. Tôi không biết nhiều về thơ. Nhưng gần đây, tình cờ đọc được một số bài thơ mới viết của Đinh Thị Thu Vân trên Facebook, tôi thấy hay hay…
Thực ra lối viết của cô cũng bình thường, đơn giản. Không có sự cách tân trong hình thức thơ. Không có những từ ngữ đánh đố, khó hiểu, bí hiểm. Mới đọc lướt qua thì thấy thơ của cô giống như lời nhỏ nhẻ tâm sự, trách móc khẻ khàng của một phụ nữ bị đánh mất tình yêu. Nhưng hình như không phải chỉ có thế.
Lúc đầu tôi định comment ngay vài câu, nhưng nhất thời lại không tìm ra được lối diễn đạt cho suy nghĩ của mình. Có thể là do không còn giao tiếp tiếng Việt nhiều. Nhưng rồi sau đó tôi cũng quyết định: xé toạc cô ta ra, xé toạc bài thơ, xé toạc ngôn từ để được hiểu và cảm thơ theo kiểu của riêng mình.
Trong bài mới nhất của cô: “ Những ngày xa…. ”, chủ thể “em” có thể chính là cô – Đinh Thị Thu Vân, chỉ là cô thì mới viết được như thế. Mạch cảm xúc trong thơ tuôn trào cuồn cuộn. Đó là một trái tim khao khát được yêu thương, khao khát nhưng vô vọng vì “…. chỉ nhận lấy hư không”. Nó có sức cuốn hút mãnh liệt với những trái tim từng bị mất mát, bị phụ bạc hoặc dở dang do những nguyên nhân khách quan nào đó, ngay cả đối với người chưa từng. Trong thơ khiến ta liên tưởng đến một cô gái ở vùng đồng bằng miền Nam với tính cách giản đơn, hiền lành, hồn hậu, không quá sắc sảo, nhưng lại có sức chịu đựng bền bỉ, có chiều sâu của nội tâm, sâu sắc trong tình cảm.
Tôi đặc biệt thích đoạn đầu và đoạn cuối của bài thơ. Có đến ba lần nhắc đến chuyện “ hôn em đi nhé….. hôn em nhé”. Một đòi hỏi thiết tha, mang chất lãng mạn và chua xót. Hai câu cuối, tôi cho là hay nhất với sự chuyễn mạch cảm xúc từ thương cảm da diết, sâu đậm, vô vọng, tâm trạng bổng sâu sắc đến bất ngờ.
“ hôn em nhé. Mai ta về với đất
Góc bẻ chân trời có lẻ bớt xa xôi”
Câu thơ như xiết chặt lại làm người ta cảm giác nghẹn họng, ngậm ngùi: “hôn em” … đi anh để rồi mai chết. Í ẹ, sợ quá, nhưng “em” không lấy con ma chết ra dọa “ anh” đâu…., bởi cái chết vốn là tự nhiên, nó có thể sẽ đến với bất cứ ai. Cái chết vốn là một phần của sự sống, Trong sự sống luôn có tiềm ẩn cái chết. Đó là qui luật tồn tại, phát triển và mất đi trong tự nhiên. Do vậy, có gì đâu, rồi sẽ chết …để hai người yêu nhau được gần nhau hơn. Tôi như muốn nói thay cô điều muốn nói.
Nhưng không, quan điểm của cô khá rõ ràng về vấn đề này:
“ em như chiếc lá ven đường
phải tự hiểu
tự vùi thân…. ”
( trong bài “Lá khô” )
Thế giới quan trong thơ cô khá rõ ràng, minh bạch, như ở một bài thơ khác, cô không tin là có kiếp sau, không trông đợi gì và không tự trấn an về một kiếp sau:
“ có kiếp sau không anh, câu hỏi quạnh lòng
chỉ có kiếp này thôi, kiếp này thôi, không thể khác
không có kiếp nào cho chúng mình chung nhau lo
lắng
không có kiếp nào chung gối chung chăn
không có kiếp sau, nên bao yêu mến kiếp này
em gom góp trao anh, mong tròn thương vẹn nhớ
không thể làm thềm rêu, không thể làm bậc cửa
thì cam lòng làm tất cả ...những mong manh !
thì cam lòng làm gió bụi chông chênh...”
( Trích trong bài “Gió bụi chông chênh” )
Cô có nhiều bài thơ hay, nhưng thôi cứ để bạn đọc tự khám phá…, tôi xin trở lại bài “ Những ngày xa…..”
Sử dụng điệp từ, điệp ngữ là một thế mạnh trong thơ cô. Có khi là thực từ hoặc hư từ, có khi là cụm từ so sánh hoặc có sắc thái biểu cảm…Như trong bài “ Những ngày xa”, ta có thể thấy nghệ thuật tu từ này: “ “hôn em đi nhé”, “chẳng vì”, “có là gì”, “em ngóng nhớ”, “trao đến phai tàn”, “sao có thể”.
Trước hết điệp từ, điệp ngữ có hiệu quả là nhấn, nhấn mạnh để khẳng định điều mình muốn nói, nhưng không đơn thuần chỉ có thế. Chúng còn như phần xương cốt cho da thịt, từ chúng tạo nên sự chuyễn mạnh thơ hết sức tự nhiên, cho những trạng thái tâm lý khác nhau, phát triển từ thấp đến cao, từ nhẹ đến nặng dần. Cứ như vậy chúng tiếp nối nhau, dồn nén đến căng cứng, dai dẳng đến đuối sức, dày vò triền miên bất tận, rồi bộc trào bất ngờ qua tứ thơ độc đáo. Chúng có chức năng liên kết, liên kết các chi tiết thơ trong một chỉnh thể thống nhất, nhất quán với chủ đề của bài thơ. Có thể khi sáng tác, cô không nghĩ nhiều đến như thế, việc thể hiện biện pháp tu từ này, chắc là do được hun đúc từ những sở học của người viết.
Điệp từ, điệp ngữ tiếp sức cho tâm trạng. Có thể nói thơ của cô là thơ thuộc về tâm trạng, tâm trạng u uất, dồn nén, cô đi vào những ngõ ngách chật hẹp hun hút dài của tâm hồn mà lối ra lúc nào cũng là cho mà không được nhận, là luôn chịu thiệt thòi, là vô vọng. Khiến người ta cảm thấy chua xót và bị thuyết phục bởi sự chịu đựng, chịu đựng bền bĩ, chịu đựng tột cùng trong tình yêu. Rõ ràng đây là sức mạnh ở thơ cô. Thơ của cô có khả năng đốt cháy thái độ hững hờ, sự vô cảm trong tình yêu của các đấng mày râu. Chẳng trách gì nhiều, chỉ mong và mong…. Đó chính là biểu hiện có sức thuyết phục nhất, lợi thế của phụ nữ.
Còn cái nhân vật “anh” trong thơ cô khá mơ hồ, có thể là một người đàn ông mà xa cách là do hoàn cảnh, có thể là một gã đã có vợ, cũng có thể là chàng họ Sở….. chỉ có trời biết, hay nói đúng hơn chỉ có cô mới biết, mới hiểu hết được cái éo le, trắc ẩn, cuộc tình ngang trái giữa hai người…. bởi thế tuy là trách, nhưng vẫn thương, vẫn mong muốn…
Đoạn đầu của bài thơ:
“hôn em đi nhé, chiều đang trách
môi chẳng vì môi - bướm ngại vờn
tim chẳng vì tim - hoa ngượng phấn
gió ngại ngần mơn gió tha phương...”
Có thể đây là hồi tưởng về những ngày tình yêu tốt đẹp, cũng có thể là nói về một điều khác, tùy người đọc hiểu…. nhưng dù gì trong chúng cũng đã tiềm ẩn những dấu hiệu không tốt, không bền vững. Tuy vậy đây cũng là đoạn có những từ ngữ, hình ảnh đẹp, rất thơ với lối tu từ ẩn dụ như “bướm ngại vờn”’, “hoa ngượng phấn”’ “gió ngại ngần mơn gió tha phương...” . Thế mới biết từ ngữ trong thơ cô không hề đơn giản, dễ dãi chút nào. Trong đó có thể còn hàm chứa một lớp nghĩa mà chỉ có hai người trong cuộc mới biết được hết…
Tôi xin minh chứng thêm một chút về khả năng sử dụng từ ngữ trong thơ cô. Đó là cụm từ “góc bể chân trời” trong bài thơ. “Chân trời góc bể ” thực chất là một thành ngữ gồm bốn âm tiết được tạo nên bởi hai ngữ danh từ có quan hệ đẳng lập: chân trời (chân của trời ), góc bể ( góc của bể). Trời dường như tiếp giáp với đất, biển giao nhau với trời. Thường tình người ta gọi các phần giao nhau đó là chân trời – góc bể. Nghĩa gốc khái quát của thành ngữ là chỉ một nơi rất rất xa xôi. Như vậy ngay từ nghĩa gốc cũng đã khá nhất quán với chủ đề của bài thơ. Nhưng ở đây cô ta lại đảo lại thành “ góc bể chân trời”, dường như đây là phép ẩn dụ cho cặp từ “em và anh”. Phép ẩn dụ sóng đôi này rất thú vị trong thơ ca. Nhưng cô không nói là “bến” và “ thuyền” như trong ca dao dân ca, không nói “ biển” và “thuyền” như của một nữ sĩ danh tiếng …. Mà lại tách thành ngữ ra thành hai cụm danh hoàn toàn độc lập để mặc định cho “anh” và “ em”. Bởi thế chính hình ảnh của sự vật cũng đã gợi thêm cho ta có được về cái cảm giác xa xăm, sự xa xôi.
Còn hơn thế nữa, ta hãy thử đọc lại đoạn thơ trên câu kết:
“trao đến phai tàn, sao có thể vô tâm
sao có thể vùi nhau tan nát chết
sao có thể đoạn đành cách biệt
góc-bể-lạc-chân-trời...sao có thể anh ơi .”
Nhịp thơ bổng trở nên dồn dập, điêp ngữ lặp nhiều hơn ở những vị trí khác nhau của các dòng thơ, thiết tha và cay đắng vô hạn, rồi như nghẹn ngào, mệt mỏi rã rời bởi sự ngắt quãng của từ ngữ, “góc-bể-lạc-chân-trời...sao có thể anh ơi .”, cô tách từ sáng tạo, rồi lại kết nối dính chúng lại bằng những dấu gạch nối (“ -”), như tách rồi lại gắn, như mất nhưng không nở buông, như cố níu kéo lại, như giận mà vẫn thương…. “Góc bể, chân trời”, trở nên tinh tế hẳn trong cách sử dụng từ.
Nói chung, đọc một số bài thơ gần đây của cô, hình như bài nào cũng hay. Bởi thơ của cô là tiếng thở dài trăn trở, là tiếng khóc, thổn thức từ trong lòng. Thơ mang một tâm trạng day dức đến thẩn thờ, một nỗi buồn thăm thẳm không nguôi. Bởi thơ của cô là tình yêu từ một phía, có cho mà không nhận hoặc có nhận nhưng đã là xa xôi, thuộc về dĩ vãng và cô chỉ còn biết mong đợi, đợi và đợi dù là vô vọng. Bởi thơ của cô mang tính lãng mạng. Thu Vân như “lưng lững giữa lung trời” với cái ảo ảo thực thực, hy vọng với cái không thể có. Phải chăng đây chính là cuộc đời thật của cô.
Tôi không biết chút gì về cô, nhưng đây phải là một người có sở học trên căn bản, phải có học vấn cao, có thể gốc là dân văn khoa thứ thiệt….. Mấy chục năm trước, tôi có một cô bạn học họ Đinh quê ở Đức Huệ, làm việc gì có kết quả cô cũng nói: “…. con gái họ Đinh mà…. ! ”. Không biết họ Đinh này có nói giống như vậy không, nhưng nếu nói về mặt sáng tác thì cô có thể tự hào, Đinh Thị Thu Vân, nhà thơ nữ, một cây bút có tay nghề…
Christmas 2014 - Nguyễn Đông A.
https://www.facebook.com/dtthuvan?fref=ts
NHỮNG NGÀY XA...
hôn em đi nhé, chiều đang trách
môi chẳng vì môi - bướm ngại vờn
tim chẳng vì tim - hoa ngượng phấn
gió ngại ngần mơn gió tha phương...
hôn em đi nhé...ngày xa cách
lòng vẫn run non nớt đợi muôn trùng
và đồi núi và rừng sâu biển lạnh
có là gì khi khát cháy gọi chờ mong !
có là gì vạn suối với nghìn sông
em ngóng nhớ nơi góc đời lặng khuất
em ngóng nhớ...ước cận kề gang tấc
ước tơ trời nối buộc xa xăm...
...em cúi xuống nghe tình yêu bật khóc
nước mắt rơi mê dại trước chia lìa
có nghĩa gì chưa, hay đành như bọt sóng
trao đến phai tàn...chỉ nhận lấy hư không !
trao đến phai tàn, sao có thể vô tâm
sao có thể vùi nhau tan nát chết
sao có thể đoạn đành cách biệt
góc-bể-lạc-chân-trời...sao có thể anh ơi .
Thơ Đinh Thị Thu Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét